Giáo Dục

Cảm nghĩ về ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2

Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2 là một dịp để tôn vinh những người bác sĩ, y tá, những người hết lòng cống hiến sức mình về bệnh nhân. Dưới đây, THPT Đông Thụy Anh xin chia sẻ với các bạn một số mẫu bài cảm nghĩ về ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2 để các bạn có thể chuẩn bị cho các bài phát biểu về ngày 27/2. Mời các bạn tham khảo.

1. Cảm nghĩ về ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2

Nhớ lại cách đây 68 năm (ngày 27/2/1955), nhân dịp tổ chức Hội nghị các cán bộ y tế, Bác Hồ kính yêu đã gửi thư cho hội nghị. Trong bức thư, Người căn dặn thầy thuốc nước ta Lương y như từ mẫu. Từ đó, ngày 27/2 được xem là Ngày Thầy thuốc Việt Nam – ngày tôn vinh các thầy thuốc và những người đang làm việc trong ngành y tế.

Ngày 27/2 đầu tiên tôi được vinh dự trở thành người làm việc trong ngành y tế với thật nhiều cảm xúc!

Là một sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Công tác xã hội, chỉ vài tháng trước đây thôi, tôi còn khá mông lung về quyết định lựa chọn công tác tại một bệnh viện, bước những bước đi đầu, thật sự bỡ ngỡ.

Những tuần công tác đầu tiên trôi qua nhanh chóng, tôi dần cảm nhận được trách nhiệm và sứ mệnh cao cả đang đặt trên vai mình và những đồng nghiệp. Ngẫm nghĩ lại những lời Bác Hồ căn dặn trong thư gửi ngành y tế mới thấy thật thấm thía, tự hào.

Đối với người làm việc trong ngành Y tế, nhất định phải có được sự Đoàn kết. Đoàn kết chính trong nội bộ y bác sĩ, cán bộ, nhân viên, mỗi bộ phận trở thành một mắt xích liên kết trong sự vận hành và hỗ trợ lẫn nhau. Tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh …., tôi cảm nhận rõ được sự gắn bó và liên kết giữa từng cá nhân, giữa cá nhân với tập thể. Là một nhân viên mới, chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động công tác tại bệnh viện, ban lãnh đạo, các anh chị đồng nghiệp luôn tạo điều kiện, hướng dẫn để chúng tôi có cơ hội làm quen thích nghi và phát triển tại môi trường làm việc mới.

Đối với người bệnh, vẫn luôn là kim chỉ nam Lương y như từ mẫu. Đặc biệt, đối với Bệnh viện Ung bướu tỉnh …., nơi đặc thù trong hoạt động khám, chữa bệnh với những bệnh nhân u bướu, tôi càng cảm nhận rõ ràng hơn tình cảm và sự gắn bó giữa nhân viên y tế đối với người bệnh, người nhà bệnh nhân. Bệnh nhân đến với bệnh viện đa phần đều rất lo lắng. Đặc biệt với những bệnh nhân đã xác định được bệnh, phải nằm lại điều trị, đối mặt với sự đe dọa về tính mạng thì chỉ một cử chỉ động viên, quan tâm kịp thời của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế cũng sẽ làm tăng nội lực sống và hy vọng chữa khỏi bệnh. Điều mà mỗi ngày tôi cảm nhận và học hỏi được từ các anh chị đồng nghiệp từ đó cũng chính là một trái tim nóng luôngiàu lòng yêu thương và mong muốn sẻ chia thường trực.

Bên cạnh đó, công tác trong lĩnh vực liên quan trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe con người, tôi cũng hiểu được rằng, có những hạn chế trong Y thuật là điều không thể tránh khỏi. Bên cạnh ánh mắt của niềm tin và hy vọng, nhất định sẽ có lúc bắt gặp những ớn lạnh, khổ đau. Vì vậy, trách nhiệm của nhân viên y tế nói riêng và của bệnh viện nói chung chính là nỗ lực từng giờ để tiếp thêm nghị lực sống và cứu chữa thêm nhiều bệnh nhân khỏi bệnh, bởi nhẽ “Mỗi người dân yếu ớt tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần, mỗi một người dân mạnh khoẻ tức là góp phần làm cho cả nước mạnh khoẻ”. (Hồ Chí Minh)

Ngày 27/2 – ngày tôn vinh các thầy thuốc và những người đang làm việc trong ngành y tế; Chúng tôi vẫn làm việc hăng say, đầy nhiệt huyết và tự chúc mừng nhau bằng những niềm vui nho nhỏ như một sự ghi nhận để nhắc nhở mình luôn nỗ lực không ngừng nghỉ, xứng đáng với những lời chúc mừng, động viên, chia sẻ!

Cảm ơn Bệnh viện Ung bướu tỉnh …. và những đồng nghiệp đã cho tôi được sống, làm việc và cống hiến hết mình trong sự tự hào hôm nay.

2. Cảm nghĩ về ngày 27/2

Ngày 27-2, ngày mà các thầy thuốc Việt Nam được Đảng, Nhà nước và Xã hội tôn vinh.

Đó là niềm vinh dự, tự hào của toàn ngành Y tế, bởi vì: Không có ngành nào như ngành y, học đại học dài nhất 6 năm, sau đó phải đi làm việc tại các bệnh viện, trung tâm để thực hành tay nghề, ôn lại các năm học lý thuyết cơ bản ở trường, sau đó đi học tiếp các bằng cấp như chuyên khoa cấp I, cấp II, Thạc sĩ, Tiến sĩ và các học vị cao hơn nữa, phải mất 5 đến 10 năm mới thành thầy thuốc thực thụ, sau 10 đến 15 năm mới có thể thành thầy thuốc có kinh nghiệm. Muốn trở thành các thầy thuốc có kinh nghiệm phải qua bao thăng trầm học thầy, học bạn, học sách vở, nghiên cứu tài liệu, đúc kết các kinh nghiệm trong quá trình khám chữa bệnh… Người thầy thuốc muốn có tay nghề tốt thì phải có năng lực thực hành, năng lực học tập và luôn luôn trau dồi đạo đức nghề nghiệp. Thầy thuốc là người chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Dưới con mắt của người thầy thuốc, người bệnh không chỉ là người với những đặc điểm, tính cách, cảm xúc không phải do bệnh tật đem đến mà còn do cả cuộc đời chi phối. Người bệnh không ai muốn vào bệnh viện, một người nhập viện là “lấy đi” nhiều niềm vui của người khác, nhất là những căn bệnh trầm trọng, hiểm nghèo. Vì vậy sự chăm sóc, cảm thông, chia sẻ, sự động viên của người thầy thuốc sẽ là những động lực giúp người bệnh có thêm niềm tin để chiến thắng bệnh tật. Cử chỉ và lời nói của thầy thuốc gây ấn tượng và sự nhạy cảm nhanh nhất đối với người bệnh, nếu những lời nói khó nghe hoặc có sự đối xử thiên lệch giữa các bệnh nhân sẽ gây cho người bệnh nỗi đau về tinh thần bên cạnh nỗi đau về thể xác do bệnh tật gây ra. Do đó thầy thuốc phải biết làm những việc tốt đẹp, nhân hậu, phải nắm vững chuyên môn, chẩn đoán đúng và đưa ra phác đồ điều trị có hiệu quả. Muốn vậy ngoài kiến thức đã học trên ghế nhà trường không ngừng trau dồi nghiệp vụ, thường xuyên đọc sách báo chuyên môn, học tập kinh nghiệm của các đồng nghiệp và phải học suốt đời, học để sợ cái gì đó chưa làm được, học vì bệnh nhân. Từ đó đúc rút kinh nghiệm để phục vụ và điều trị bệnh nhân ngày càng tốt hơn. Cho nên, người thầy thuốc không giấu yếu kém của mình, không quan liêu, thiếu trách nhiệm, vì khi xảy ra một lỗi lầm hay thiếu sót dù nhỏ nhất đều có thể gây tai hại lớn nhất cho bệnh nhân và ngành y, không gì có thể bù lại được.

Thầy thuốc chân chính thời nào cũng lấy chữ tâm làm đầu, xem khám bệnh, điều trị cứu người làm lẽ sống. Mặc dù với đồng lương khiêm tốn, hằng ngày phải lo cơm áo, gạo tiền nhưng người thầy thuốc không quên nhiệm vụ: đêm đêm túc trực bên giường bệnh, canh từng hơi thở, đổ từng giọt mồ hôi để cứu từng bệnh nhân qua cơn nguy kịch, và họ cũng chia sẻ với những bệnh nhân bất hạnh không vượt qua bàn tay “tử thần”.

Tôi và các cán bộ, viên chức đã làm việc nhiều năm trong môi trường bệnh viện, phải chịu nhiều áp lực từ mọi phía như thiếu nhân lực bác sĩ, trang thiết bị, cơ sở vật chất còn hạn hẹp nên chăm sóc và điều trị bệnh nhân chưa được tốt lắm. Bên cạnh đó, do cơ chế thị trường khám chữa bệnh phải mất tiền, đôi khi đồng tiền đã làm “méo mó” thái độ của thầy thuốc đối với bệnh nhân và của bệnh nhân đối với thầy thuốc. Có lúc bệnh nhân, người nhà chưa vào đến khoa phòng, họ đã ầm ĩ như mình là người quan trọng nhất, nếu kíp trực chưa kịp xử lý bệnh, chưa giải thích kịp thời thì người nhà đã la ó xúc phạm thầy thuốc. Và, chúng tôi cũng rất buồn khi có lúc người ta còn vin vào hai từ “y đức” mà sách nhiễu, đòi hỏi, thậm chí hành hung nhân viên y tế…tuy nhiên cả kíp trực vẫn âm thầm, lặng lẽ, thoăn thoắt luôn chân, luôn tay với vẻ mặt đầy căng thẳng, không có thời gian đối đáp vì còn quá nhiều việc phải làm và phải phục vụ cấp cứu cho bệnh nhân. Nếu thầy thuốc có sơ suất nhỏ trong lời giải thích rất có thể bị quy kết là thiếu y đức!. Tôi và các bạn đồng nghiệp đôi khi đành cam chịu với nổi buồn vô hạn. Tôi nghĩ nghề gì, ngành gì cũng có đạo đức nghề nghiệp. Tôi và các đồng nghiệp trong bệnh viện luôn tự nhủ, khi đã vào nghề thì phải tự hào và làm tròn trách nhiệm tốt nhất mà mình được phân công.

Hơn lúc nào hết, bản thân tôi cũng như những cán bộ nhân viên y tế khác luôn chủ động rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, tu dưỡng y đức, làm những việc thiết thực trong công tác khám chữa bệnh để phục vụ bệnh nhân ngày càng tốt hơn, xứng đáng với truyền thống “Thầy thuốc như mẹ hiền”, và xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Cảm nghĩ của bác sĩ trẻ về ngày thầy thuốc Việt Nam
Cảm nghĩ của bác sĩ trẻ về ngày thầy thuốc Việt Nam

3. Cảm nghĩ của bác sĩ trẻ về ngày thầy thuốc Việt Nam

Nghề Y, nghề luôn được kính trọng ở mọi xã hội và mọi thời đại, là những người không ngại vượt qua gian khổ, thức trắng thâu đêm để lo lắng, tận tình cứu chữa, mang lại niềm tin, niềm vui sống, xoa dịu đi nỗi đau thể xác lẫn tinh thần cho người bệnh, là những người có thể giành lại mạng sống của rất nhiều người từ tay thần chết. Kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam chính là dịp tôn vinh những công lao của người thầy thuốc đáng kính ấy trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đồng thời cũng là dịp để cán bộ ngành y tế đề cao hơn nữa lòng tự hào và trách nhiệm để rèn luyện y đức trong sáng, y thuật xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Lương y phải như từ mẫu”.

Từ khi ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, chúng tôi đã mơ ước trở thành những người cán bộ y tế, được khoác trên mình chiếc áo Blouse trắng. Nghề y không đơn giản chỉ là đầu vào khối B với Toán, Hóa, Sinh và 6 năm học tập vất vả. Công việc của bác sĩ không chỉ là áp ống nghe vào ngực bệnh nhân hay cầm dao mổ, nó còn gian khó hơn gấp ngàn lần. Tôi từng nghe câu hát mỉa mai:“Gái Y dược như củ sắn lùi”, ý nói ngành y sẽ khiến các cô gái “tổn hao nhan sắc” vì chỉ lo chăm sóc cho bệnh nhân mà quên mất chính mình. Nhưng tôi nghĩ, cái hạnh phúc, sung sướng khi trông thấy ánh mắt và nụ cười rạng ngời, đầy lòng biết ơn của bệnh nhân và thân nhân đối với một vị bác sĩ khi đã thành công, còn to lớn hơn gấp nhiều lần so với hạnh phúc cá nhân. Niềm hạnh phúc khi đã cứu sống và mang lại niềm tin cho người khác thật to lớn biết nhường nào!

Những thầy thuốc trẻ chúng tôi luôn tự nhắc nhở phải không ngừng nỗ lực đóng góp sức mình trong công cuộc khám điều trị bệnh và phòng bệnh. Phải xác định rằng: người bệnh khi đến với chúng ta bên cạnh việc rất cần người thầy thuốc có chuyên môn tốt để được chữa khỏi bệnh cũng rất cần những sự sẻ chia, chăm sóc, ân cần động viên. Vì vậy, các thầy thuốc trẻ ngoài phải trau dồi chuyên môn, nâng cao kỹ năng, tay nghề, rèn luyện đạo đức, còn phải tập cho mình những câu nói thân thiện, ánh mắt cảm thông, thể hiện mình thật lòng mong chữa khỏi cho người bệnh, khi đó sẽ tạo niềm tin để họ hợp tác, tuân thủ điều trị một cách tốt nhất.

Là một bác sĩ trẻ vừa mới tốt nghiệp đại học ra trường, tôi vinh dự được ban Lãnh đạo Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình và Phòng khám Sức khỏe sinh sản – Kế hoạch hóa gia đình nhận về bố trí công tác và tạo điều kiện cho tôi được nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Trong suốt thời gian qua, tôi cùng các đồng nghiệp đã đến những khu chế xuất, khu công nghiệp, những huyện vùng sâu, vùng xa để khám phụ khoa miễn phí cho những nữ công nhân, những người dân nghèo. Tuy còn rất nhiều khó khăn và thiếu thốn, nhưng khi nhìn những ánh mắt hài lòng, khi nghe những lời cảm ơn chân thành, chúng tôi quên đi tất cả sự mệt mỏi và càng cảm thấy tự hào về công việc mà mình đang làm. Tôi rất biết ơn sự quan tâm, giúp đỡ của ban Lãnh đạo. Tôi hứa sẽ luôn có ý thức hoàn thành thật tốt các công việc được giao.Tôi sẽ luôn tu dưỡng đạo đức, học tập để xứng đáng với màu áo Blouse trắng ấy.

Con đường tôi chọn sẽ không bằng phẳng. Nhưng tôi tin vào khả năng của mình, tôi có thể trở thành một bác sĩ mang lại niềm tin và hạnh phúc cho nhiều người.Chúng tôi đã, đang và sẽ góp phần vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nói chung và chăm sóc sức khỏe sinh sản nói riêng.

4. Cảm nhận về ngày thầy thuốc Việt Nam

Y đức là phẩm chất tốt đẹp của người làm công tác y tế, được biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy phục vụ, hết lòng thương yêu chăm sóc người bệnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Lương y phải như từ mẫu”.

Trong bối cảnh ngành y tế đang đẩy mạnh xã hội hóa hiện nay, nhiều thách thức mới cũng đang đặt ra với những người làm công tác y tế. Do vậy, việc thường xuyên giữ gìn, bảo vệ, trau dồi y đức càng trở nên vô cùng cần thiết.

Đáng mừng và đáng tự hào là dù đời sống còn không ít khó khăn, đa phần những người làm công tác y tế vẫn cần mẫn hàng ngày, hàng giờ chăm sóc phục vụ người bệnh, cho dù phải đối mặt với nguy hiểm bởi nguy cơ lây nhiễm rất cao. Trong những vụ dịch nguy hiểm như dịch cúm A H5N1, dịch tay chân miệng, có những y, bác sỹ thức trắng nhiều đêm bên giường bệnh, có những thầy thuốc quên ăn, quên ngủ với hy vọng sớm tìm ra căn nguyên của những căn bệnh quái ác, giành lại sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần, có những y, bác sỹ hiến máu cứu bệnh nhân. Năm vừa qua, đội ngũ y, bác sĩ từ bệnh viện huyện đến bệnh viện tuyến tỉnh cứu sống biết bao bệnh nhân trong những cơn nguy kịch. Như trường hợp của cháu Nguyễn Văn Triệu (SN 2010) trong tình trạng ngưng thở do bị đuối nước được các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp cứu sống, rồi cứu sống bệnh nhân bị dao đâm thủng tim, phẫu thuật thành công cho cháu bé 1 ngày tuổi bị thoát vị hoành. Bệnh viện Đa khoa …….. cũng đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen cho tập thể êkíp và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện thành công ca phẫu thuật vỡ tử cung cứu sống 2 mẹ con sản phụ… Đó là những ấn tượng tốt đẹp trong lòng bệnh nhân và niềm vinh hạnh cho ngành, cho nghề, xứng đáng với danh hiệu “Lương y như từ mẫu”.

Cuộc chiến đấu với bệnh tật không phải lúc nào người thầy thuốc cũng giành chiến thắng, nên họ phải luôn trăn trở với từng ca bệnh, miệt mài làm việc với tất cả tâm huyết của mình để đem lại sức khỏe cho người bệnh. Vì vậy, người thầy thuốc giỏi phải là người thường xuyên học tập và học tập suốt đời, phải có tâm, có tri thức, biết đoàn kết trong đồng nghiệp nhằm phát huy trí tuệ tập thể, biết yêu quí người bệnh hơn bản thân mình thì mới có thể giúp người bệnh vượt qua những khoảnh khắc sinh tử của cuộc sống.

Xã hội tôn vinh, ca ngợi những người thầy thuốc Việt Nam không chỉ ở những khả năng, tài năng, học vị, bằng cấp mà còn ở tấm lòng y đức, đôi bàn tay yêu thương chăm sóc.

5. Cảm nghĩ về ngày thầy thuốc Việt Nam

Thời gian thấm thoát trôi nhanh, mới đó mà tôi làm việc trong ngành Y cũng đã gần 5 năm. Thời gian tôi phục vụ trong ngành Y dẫu còn rất ngắn ngủi nhưng cũng đã có rất nhiều kỷ niệm. Có lúc nghĩ lại, tôi thấy mình đúng là có duyên với ngành Y.

Từ thời đi học, tôi đã có ước mơ sẽ trở thành một Bác sỹ. Ước mơ của Tôi cũng xuất phát từ ước nguyện của ba tôi. Ba thường nói: “ Ba chỉ mong trong nhà mình có một đứa con là bác sỹ”. Vậy nhưng các chị của tôi lần lượt vào ngành nghề sư phạm, kinh doanh… Dẫu rất mừng khi con cái trưởng thành và có nghề nghiệp ổn định, nhưng tôi thấy có lúc ba tôi đượm buồn vì chưa có đứa con nào làm trong ngành Y. Đọc được suy nghĩ của Ba, càng thôi thúc tôi thi vào ngành y.

Tôi 18 tuổi với bao khát vọng và hoài bão sẽ trở thành một nữ BÁC SỸ… nhưng tôi không đạt được ước mơ và hoàn thành ước nguyện của ba. Tôi phải học Quản trị kinh doanh, Tài chính Kế toán và sau đó làm ngành Tài chính Bảo hiểm. Thời gian cứ thế trôi đi, ba tôi ngày một già hơn… Mỗi lần chuyện trò, Ba tôi lại nói : “ Ba vẫn mong muốn có 1 đứa con không làm bác sỹ thì làm trong ngành y, là ba cũng vui rồi”… Những lúc như thế, tôi thầm nghĩ: Ba ơi, con sẽ cố gắng thực hiện ước nguyện của ba. Nếu con không được thì con của con sẽ phục vụ trong ngành Y.

Ra trường, tôi cũng đã kinh qua nhiều vị trí công việc tại một số công ty trong nước và công ty liên doanh… Và, từ vị trí Trưởng phòng một Doanh nghiệp tài chính khá lớn, tôi từ bỏ để quyết tâm thực hiện ước nguyện của mình và đó cũng là ước nguyện của Ba tôi… trở thành người của ngành Y

Ngày tôi thi tuyển cho đến lúc cầm trên tay Thư mời làm việc của 1 Bệnh Viện Quốc tế, người đầu tiên, tôi thông báo kết quả chính là ba tôi. Tôi cảm nhận được niềm vui từ ba tôi, ước mơ của con đã thành hiện thực rồi ba ơi… Tôi chính thức trở thành một người phục vụ trong ngành Y.

Chính niềm vui, niềm hạnh phúc được phục vụ trong ngành Y đã luôn ở trong mọi suy nghĩ, hành động và từng việc làm của tôi. Đó cũng là động lực làm tôi thêm yêu nghề và yêu công việc mà tôi đang làm. Tôi vẫn luôn nguyện cố gắng đem hết tâm lực, trí lực và sức khỏe của mình để cống hiến cho công việc.

Tôi nhớ lại một kỷ niệm cũ. Trong phiên trực, tôi thực hiện việc tiếp nhận và làm thủ tục với người nhà của bệnh nhân Nguyễn Khắc Thái (bệnh nhân nhập viện vào khoảng 1h30 rạng sáng 05/01/2018). Hình ảnh của người cha già của bệnh nhân Nguyễn Khắc Thái Khi thật đáng thương và đáng trân trọng. Tôi thấy đôi mắt bác cứ đẫm nước. Đây cũng là lần đầu tiên, người nhà bệnh nhân vào viện tâm sự và kể về cuộc đời người bệnh cho tôi nghe. Bác kể về người con trai của bác, bệnh nhân Nguyễn Khắc Thái. Tôi nghe kể và cảm nhận ước mơ của Thái, một bác sỹ trẻ với bao hoài bão được cống hiến và vươn lên. Đó cũng là ước mơ như bản thân tôi mơ ước được làm BÁC SỸ… Tôi nhìn vào mắt của bác, bác đang cố gắng để tôi không biết là bác vẫn đang rất đau khổ… thế là bác cứ kể và cứ kể… còn tôi, nước mắt tôi cũng đã tuôn tràn theo nỗi niềm của bác khi nghe câu chuyện về em, người bác sĩ trẻ với bao hoài bão đã phải dừng lại do gặp tai nạn. Qua câu chuyện của bác kể, tôi được biết Thái đang là một bác sĩ lại bị gặp tai nạn trong một chuyến hành trình lên miền núi làm công tác thiện nguyện. Bao ước mơ của em từ nay đành gác lại. Bác đã nói, dù sao với bác và với em Thái, vẫn còn may mắn. Đó là sự giúp đỡ tận tâm của đội ngũ Y Bác sĩ nên gia đình cũng được an ủi về tinh thần và đỡ nhiều trong chi phí chữa bệnh cho em. Niềm tin và sự biết ơn bệnh viện và các nhân viên Y tế vẫn luôn thể hiện trong câu chuyện của Bác.

Thời gian vẫn trôi qua, có lẽ do hoàn cảnh đưa đẩy hoặc do có cơ duyên, tôi lại được tiếp nhận vào làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đà nẵng. Những câu chuyện của bệnh nhân, của đồng nghiệp trong quá trình phục vụ người bệnh và công tác lại làm dày thêm những kỉ niệm của bản thân tôi với ngành Y. Tỗi vẫn sẽ nhớ mãi những hình ảnh vất vả của các Y bác sĩ trong những ca trực cứu chữa bệnh nhân. Đó là những hình ảnh, những nụ cười của các đồng nghiệp (đội ngũ Y bác sĩ, điều dưỡng, CSKH) trong quá trình phục vụ người bệnh. Đó là hình ảnh của người bệnh, của người nhà của họ khi đến bệnh viện. Đó là nỗi niềm, mong muốn của bệnh nhân và gia đình muốn gửi gắm với bệnh viện khi đưa thân nhân đến khám và chữa bệnh. Đó là lòng biết ơn của họ đối với đội ngũ Y Bác sĩ, cán bộ nhân viên bệnh viện đã chăm sóc cho người bệnh. Những điều đó đã làm tôi càng thêm yêu nghề và gắn bó với công việc.

Chuông điện thoại công việc reo lên, tôi lại tiếp tục công việc của mình.

Tác giả: Trường THPT Đông Thụy Anh

Chuyên mục: Giáo Dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!