Viết bài văn nhập vai nhân vật kể lại một câu chuyện cổ tích siêu hay
Viết bài văn nhập vai nhân vật kể lại một câu chuyện cổ tích là đề bài tập làm văn trong chương trình sách giáo khoa lớp 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Cánh Diều. Dưới đây là một số mẫu kể lại một câu chuyện cổ tích để các em học sinh tham khảo nhằm viết cho mình một bài văn hay và ý nghĩa.
1. Viết bài văn nhập vai nhân vật kể lại một câu chuyện cổ tích số 1
Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân. Vì chăm chỉ làm lụng nên bố mẹ tội cũng có bát ăn bát để, hi vọng sau này cho anh em tôi làm vốn sinh nhai. Nhưng rồi cha mẹ tôi mất đột ngột. Anh trai tôi đã không làm như lời cha mẹ dặn trước lúc lâm chung là chia đều tài sản cho hai anh em mà chiếm hết gia tài, chỉ để lại cho tôi một túp lều nhỏ và cây khế còi cọc ở góc vườn.
Tôi chấp nhận mà không hề kêu ca, than phiền gì. Hằng ngày, tôi phải mò cua bắt ốc, cày thuê, cuốc mướn để sống. Cây khế trở thành tài sản quý giá nhất và là người bạn thân thiết của tôi. Tôi chăm sóc nó chu đáo, tận tình như người bạn. Vì vậy mà cây khế lớn rất nhanh và chẳng bao lâu đã ra hoa kết quả. Đến mùa khế chín, những chùm khế chín vàng óng, thơm lừng báo hiệu một mùa khế bội thu. Không thể nào nói hết được niềm hạnh phúc của mọi người trong gia đình tôi. Tôi đã đan những chiếc sọt để ngày mai đem khế ra chợ đổi lấy gạo. Sáng hôm đó, khi vừa thức dậy, tôi đã nhìn thấy trên cây khế có một con chim to với bộ lông sặc sỡ đang ăn những quả khế chín. Lòng tôi đau như cắt. Tôi chạy đến dưới gốc cây và nói: “Chim ơi! Ngươi ăn khế của ta thì gia đình ta biết lấy gì để sống?”. Chim bỗng ngừng ăn và cất tiếng trả lời: “Ăn một quả trả một cục vàng, may túi ba gang mang đi và đựng”. Nói rồi chim bay đi. Tôi không tin lắm vào chuyện lạ lùng đó nhưng vẫn bảo vợ may cho mình một chiếc túi ba gang. Sáng hôm sau, chim đến từ sớm và đưa tôi ra một hòn đảo nhỏ giữa biển. Tôi không thể tin vào những gì hiện ra trước mắt. Cả hòn đảo toàn vàng bạc châu báu chất đống. Cả hòn đảo ánh lên màu vàng làm tôi bị lóa mắt. Không hề có một bóng người. Tôi cảm thấy lo sợ, cứ đứng yên một chỗ. Nhưng rồi chim vỗ cánh và giục giã: “Anh hãy lấy vàng bạc, châu báu vào túi, rồi tôi đưa về.”. Lúc đó tôi mới dám nhặt vàng cho vào đầy túi ba gang rồi lên lưng chim để trở về đất liền.
Từ đó, gia đình tôi không còn phải ăn đói mặc rách nữa. Tôi dựng một căn nhà khang trang ngay trong khu vườn, nhưng vẫn giữ lại túp lều và cây khế.
Tôi dùng số của cải đó chia cho những người dân nghèo khổ trong làng. Cũng không hiểu sao từ bữa đó, chim không còn đến ăn khế nữa. Cây khế bây giờ đã to lớn, toả bóng mát xuống cả một góc vườn. Mùa khế nào tôi cũng chờ chim thần đến để bày tỏ lòng biết ơn.
Tiếng lành đồn xa, câu chuyện lan đến tai người anh trai tôi. Một sáng, anh đến nhà tôi rất sớm. Đây là lần đầu tiên anh tới thăm tôi kể từ ngày bố mẹ mất. Anh đòi tôi đổi toàn bộ gia sản của anh lấy túp lều và cây khế. Tôi rất buồn khi phải chia tay với căn nhà và cây khế. Nhưng trước lời cầu khẩn của anh, tôi đành bằng lòng. Cả gia đình anh chuyển về túp lều cũ của tôi. Ngày nào anh cũng ra dưới gốc khế chờ chim thần đến. Mùa khế chín, chim cũng trở về ăn khế. Vừa thấy chim, anh tôi đã khóc lóc, kêu gào thảm thiết và đòi chim phải trả vàng. Chim cũng hứa sáng mai sẽ đưa anh tôi ra đảo vàng và dặn may túi ba gang. Tối hôm đó, anh tôi thức cả đêm để may túi mười gang ngày mai đi lấy vàng. Sáng hôm sau, vừa ra tới đảo vàng, anh tôi đã hoa mắt bởi vàng bạc châu báu của hòn đảo. Anh tôi vội nhét vàng vào đầy túi mười gang, vào túi quần, túi áo và mồm cũng ngậm vàng nữa. Trên đường trở về nhà, chim nặng quá, kêu anh tôi vứt bớt vàng xuống biển cho đỡ nặng. Vốn tính tham lam, anh không những không vứt bớt xuống mà còn bắt chim bay nhanh hơn. Nặng quá, chim càng lúc càng mệt. Đôi cánh trở nên quá sức, yếu dần. Cuối cùng, không còn gắng được nữa, chim chao đảo rồi hất luôn người anh xuống biển cùng với số vàng.
Tôi trở lại sống ở nhà cũ, cùng túp lều và cây khế. Nhưng chim thần không bao giờ còn quay trở lại nữa… Anh trai tôi đã không thể quay trở về chỉ vì lòng tham vô đáy. Một nỗi buồn man mác dâng lên trong lòng tôi.
2. Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích số 2
Quác! Quác! Quácccccc..
Chào mọi người! Ta là chim thần đây các bạn đừng sợ, tiếng kêu của ta hơi dữ tí thôi nhưng ta không làm hại ai cả. Mọi người chắc không biết? Ta tuy sống ở rừng xanh nhưng ta lại có một hang châu báu cất ở một hòn đảo giữa biển khơi. Chỗ châu báu đó ta hay để giúp người nghèo, chăm chỉ, lương thiện. Ấy vậy mà cũng có những lúc ta cho nhầm người đấy. Để ta kể cho các bạn nghe câu chuyện này nhé.
Dạo nọ, khi bay qua một ngôi làng nhỏ, ta được nghe kể về hai anh em mồ côi cha mẹ. Ban đầu hai anh em ở với nhau thuận hòa, chịu khó làm lụng nên cũng đủ ăn, nhưng từ khi lấy vợ người anh đâm ra lười biếng, bao nhiêu công việc đều đổ dồn cho vợ chồng người em. Vợ chồng người em hiền lành, chịu khó, thức khuya, dậy sớm làm lụng. Sợ người em tranh công nên vợ chồng người anh bàn với nhau cho em ra ở riêng. Bao nhiêu của cải người anh chiếm hết, ruộng nương, vườn tược thuê người nghèo làm công, anh ta chỉ chia cho người em một gian nhà lụp xụp và một cây khế ngọt trước cửa. Thấy người em không ca thán anh ta nghĩ em ngu đần và từ đó không qua lại nữa. Ta thấy cảm động và thương vợ chồng người em chịu khó, vất vả.
Hàng ngày ta thấy vợ chồng người em thay nhau chăm sóc cây khế, rồi cây khế cũng xanh tốt, quả lúc lỉu, trẻ con lên ba có thể với tay được. Trông thích mắt lắm. Bữa nọ ta đến ăn khế và thử lòng hai vợ chồng. Quả nhiên hai vợ chồng tốt bụng như lời đồn, họ không hề xua đuổi mà để ta ăn thoải mái. Có lần vì sợ ta giật mình nên chờ ta ăn xong vợ chồng họ mới trèo lên hái khế mang đi bán.
Một ngày, hai ngày, ba ngày.. rồi một tháng ròng ta ghé ăn thường xuyên hơn nên cây khế cũng vơi dần. Cũng định bụng ăn khế để thử lòng rồi ta sẽ tính đến việc trả ơn vì ta biết gia tài quí giá nhất của họ là cây khế.
Một hôm trong lúc đợi ta ăn chị vợ nhẹ nhàng nói:
– Ông chim ơi, ông ăn như thế thì còn gì là khế của nhà cháu nữa! Cây khế nhà cháu cũng sắp hết quả rồi đấy!
Cơ hội tốt để trả ơn ta bèn đáp:
– Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng!
Sợ vợ chồng người em không tin nên ta nói đi nói lại ba lần mới vỗ cánh bay đi.
Đúng hẹn, sáng hôm sau khi ta đến hai người đang ăn cơm. Ta kêu mấy tiếng chào hai vợ chồng, không để ta đợi lâu, người chồng mang túi chạy ra, ta rạp mình xuống để cho anh trèo lên lưng rồi vỗ cánh bay đi. Ta bay mãi, bay mãi qua bao nhiêu miền đồi, đồng ruộng, rừng xanh, biển cả rồi cũng tới nơi. Ra tới biển, ta rẽ vào một hòn đảo toàn đá trắng, đá xanh, đá ngũ sắc, ta bay một vòng rồi từ từ hạ xuống một cái hang và ra hiệu cho anh vào lấy gì thì lấy. Ta thấy anh chỉ đứng ở ngoài cửa hang nhặt vừa đủ túi ba gang rồi nhanh chóng ra hiệu cho ta ra về. Ta cất cánh đưa anh trở lại đất liền. Khi mặt trời đứng bóng thì ta đưa anh về tới nhà. Vợ chồng họ vui mừng khôn xiết cảm tạ ta. Ta mỉm cười và nói:
– Đó là phần thưởng xứng đáng cho lòng tốt và sự chăm chỉ của hai người, nói rồi ta tạm biệt họ và trở về rừng xanh.
Bẵng đi một thời gian, mùa khế lại tới. Thú thực, rừng xanh nơi ta ở không thiếu của ngon vật lạ, nhưng ta chưa tìm được thứ quả nào ngon như cây khế của đôi vợ chồng nọ, dư vị của nó khiến ta ăn một lần mà nhớ mãi không quên. Thế là ta quyết định quay lại, vừa là xin thưởng thức khế, vừa để thăm lại vợ chồng người em. Nào ngờ, khi ta vừa sà xuống cây khế, chưa kịp ăn thì một đôi vợ chồng lạ hớt hải chạy ra tru tréo, la hét như ăn vạ:
– Cả nhà tôi trông vào cây khế, bây giờ chim ăn hết sạch thì tôi biết cậy vào đâu?
Ta chưa kịp ăn quả nào cả nhưng vì họ thái độ nên ta cũng bảo:
– Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng.. Nói xong ta vụt bay đi. Các bạn biết không? Họ chính là vợ chồng người anh tham lam. Sau khi biết người em trở nên giàu có, hắn nổi lòng tham nên lân la sang hỏi chuyện, người em thật thà nên kể lại đầu đuôi câu chuyện ta ăn khế và trả vàng, thế là hắn gạ em đổi cả gia sản để lấy túp lều và cây khế. Người em đồng ý, hai người họ dọn đến chỉ ăn và nằm chờ ta đến. Ta định không đến, nhưng đường đường là một thần chim ai lại thất hứa đúng không?
Vậy là sáng hôm sau quay ta lại, thấy ta tới người chồng vội vàng xách túi to, to gấp ba túi của người em, hắn nhảy tót lên lưng ta, còn mụ vợ thì khấn vái liên tục. Ta lấy làm nực cười lắm..
Ta cũng đưa hắn tới hòn đảo vàng như người em. Ta vừa mới thả hắn xuống cửa hang mà mắt hắn đã hoa lên, mồm miệng há hốc, rồi hắn lao vào vơ lấy vơ để những thỏi vàng và kim cương. Hắn đi sâu vào trong hang, nhét thật đầy tay nải to, rồi cố dồn thêm hai ống tay áo, ống quần. Chờ mãi không thấy hắn nên ta kêu mấy lần, mãi chiều tối anh ta mới lết ra khỏi cửa hang.. Hắn treo túi vàng ở cánh của ta, lấy dây buộc chặt vào cổ và mình ta làm ta đau điếng hết cả người. Hắn buộc xong rồi trèo lên lưng ta.
– Chao ôi! Một thần chim của rừng xanh, sức dài, vai rộng như ta mà phải lấy hết sức bình sinh mới cất cánh lên được.
Hắn mang theo quá nhiều vàng bạc, nặng khiến ta kiệt sức, mấy lần ta nói:
– Anh bỏ bớt vàng bạc trên người đi vì ta sắp không đủ sức để bay nữa rồi!
Hắn lặng im, vờ như không nghe thấy.
Bữa ấy trời tối, khi ta đang bay qua biển, bất ngờ gặp một cơn giông, vì yếu mà lại ngược gió thế là ta chao đảo. Hắn ta la hét, gào thét, kêu cứu, nhưng đáng tiếc không ai cứu nổi hắn, chính tính tham lam của hắn đã kết liễu cuộc đời hắn. Hai cánh ta rũ xuống, rồi đâm bổ xuống biển. Hắn cùng túi châu báu bị rơi tõm xuống biển và sóng đánh đi trong nháy mắt. Còn ta thì chỉ bị ướt một chút lông cánh xíu thôi, rồi ta vùng bay lên thoát nạn.
Đúng là, cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Cùng là anh em mà tính nết chẳng ai giống ai mọi người nhỉ? Người thì quá hiền lành chịu khó, người thì tham lam quá vô độ. Ta chỉ muốn nhắn nhủ rằng: Hiền lành, chăm chỉ, siêng năng, biết chia sẻ sẽ “auto” mọi người yêu thương và giúp đỡ, còn tham lam tưởng có tất cả mà cuối cùng cũng trắng tay, giống như người anh vì quá tham lam nên tự kết liễu cuộc đời mình.
3. Kể lại một câu chuyện cổ tích lớp 6 số 3
Tôi tuy là một tảng đá vôi nhưng cuộc đời của tôi lại rất dài. Tôi không phải là một tảng đá vôi bình thường như bao tảng đá khác. Bỏi vì xưa kia tôi chính là một con người.
Hồi đó, nhà họ Cao chúng tôi có hai anh em. Tôi và anh của tôi. Chúng tôi giống nhau như đúc, đến nỗi người ngoài không thể phân biệt được ai là anh, ai là em. Hai anh em tôi hơn nhau một tuổi và rất thương yêu, quý trọng nhau. Những tháng năm được sống vui vầy bên cha mẹ, bên người anh ruột thịt là những ngày tháng hạnh phúc nhất trong đời tôi. Nhưng những ngày tháng êm đềm ấy không cùng tôi suốt cuộc đời. Khi hai anh em tôi mới mười bảy, mười tám tuổi thì cha mẹ chúng tôi đều lần lượt qua đời. Từ đó, chúng tôi lại càng yêu quý nhau hơn trước.
Không được cha mẹ dạy dỗ cho nữa, tôi và anh tôi đến xin học tại ông thầy họ Lưu. Chúng tôi đều cố gắng chăm chỉ học hành nên được thầy Lưu yêu như con. Thầy Lưu có một người con gái, tuổi chừng mười sáu, mười bảy rất xinh đẹp, dịu dàng, con gái trong vùng ít ai sánh kịp. Từ khi hai anh em tôi đến học, cô gái có vẻ quấn quýt với hai anh em chúng tôi lắm. Một hôm, nhà nấu cháo, cô gái múc một bát cháo và một đôi đũa mời chúng tôi ăn. Cầm bát cháo từ tay cô gái, tôi nghĩ: “Anh mình lớn hơn mình, vì vậy mình phải nhường cho anh ăn trước mới phải.”. Nghĩ vậy, tôi bèn mời anh ăn trước. Sau đó, anh tôi đã lấy cô gái làm vợ. Việc mời ãn cháo chính là một cái cớ để cô gái phân biệt được chúng tôi ai là anh, ai là em. Cũng từ khi anh tôi lấy vợ, tôi cảm thấy rằng tình cảm anh em giữa chúng tôi hình như không được thắm thiết như trước nữa thì phải. Tôi buồn lắm nhưng anh tôi vẫn vô tình không để ý đến. Một buổi chiều nọ, anh và chị dâu đã đi vắng, tôi ngồi trước cửa và nhìn ra khu rừng xa xa. Càng nghĩ, tôi càng cảm thấy mình là đồ thừa trong cái gia đình nhỏ bé, hạnh phúc này.
Vừa tủi thân, lại cảm thấy thật cô đơn, tôi vùng đứng dậy ra đi. Tôi cứ đi mãi, đi mãi đến khi rừng già ở trước mắt. Theo con đường mòn, tôi đi thẳng vào rừng. Trời đã tối, trăng đã lên cao. Tôi đi mải miết cho tới khi gặp một con suối rộng, nước sâu và xanh biếc trong rừng. Không thể lội qua được, tôi đành ngồi nghỉ bên bờ. Tôi đã khóc, khóc nhiều lắm. Đêm đã khuya, sương lạnh rơi xuống mỗi lúc một nhiều. Những giọt sương cứ thấm dần, thấm dần vàò da thịt tôi. Cuối cùng tôi đã chết mà vẫn ngồi trơ trơ, biến thành tảng đá vôi như bây giờ. Tôi có ngờ đâu, anh tôi về nhà, không thây tôi đâu bèn vội vàng đi tìm nhưng không nói cho ai biết cả. Cũng theo con đường tôi đã đi. Anh cũng tới được con suối rộng, nước xanh biếc đang chảy cuồn cuộn dưới ánh trăng vàng. Không lội qua được nữa, anh tôi bèn ngồi xuống, tựa lưng vào tảng đá bên bờ suối. Anh có ngờ đâu tảng đá ấy chính là đứa em ruột thịt của mình. Anh cứ ngồi đấy gọi tên tôi, những giọt sương từ cành lá rơi lã chã xuỏng vai áo anh, thấm vào da thịt anh. Anh tôi đã ngất đi và chết cứng, biến thành một cái cây không cành mọc thẳng lên bên tảng đá. Cái cây cứ rì rào, rì rào, tán lá trên cao như nói lời xin lỗi muộn màng. Anh ơi, em sẵn sàng tha thứ cho anh bởi vì chúng ta là ruột thịt của nhau, chính em phải nói lời xin lỗi với anh. Tôi chỉ muốn hét thật to lên như vậy. Nhưng đâu còn thời gian nữa, giờ đây, tôi đã biến thành tảng đá. Đá thì làm sao nói được.
Dân trong vùng gọi tôi là đá vôi, anh tôi là cây cau còn người chị dâu là cây trầu.
Ở nhà, chị dâu tôi chẳng thấy chồng đâu, cũng chẳng thấy em đâu bèn tất tả đi tìm. Bước thấp, bước cao. Cuối cùng chị cũng tới được con suối trong rừng. Cũng như anh em tôi, không lội qua được, chị đành ngồi lại bên bờ tựa lưng vào cái cây. Chị ơi, cái cây chị đang tựa vào chính là chồng của chị đấy. Tôi rất muốn nói cho chị biết điều đó. Chị dâu tôi cứ ngồi đấy, than khóc, vật vã. Chưa đầy nửa đêm, chị đã mình gầy xác ve, thân dài lêu nghêu biến thành cây leo cuốn chặt lấy cây không cành, về sau, chuyện chúng tôi đến tai mọi người, ai nấy đểu thương xót. Dân trong vùng gọi tôi là đá vôi, anh tôi là cây cau còn người chị dâu là cây trầu. Tôi cũng rất mong rằng bây giờ cũng sẽ có những tình cảm anh em vợ chồng gắn bó như chúng tôi đây.
4. Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em biết theo lời một nhân vật trong câu chuyện số 4
Tên tôi là Khang, vốn làm nghề tiều phu. Bố mẹ mất sớm, tôi sống thui thủi một mình trong một căn lều dựng tạm nơi bìa rừng. Cuộc sống của tôi cứ êm đềm trôi qua cho đến một ngày tôi gặp một sự lạ kì.
Hôm ấy, cũng như mọi khi, tôi vác rìu vào rừng đốn củi. Không hiểu tay chân vụng về thế nào, tôi làm rơi rìu xuống con sông gần đó. Nước sâu, sông rộng, khó lòng lấy lại được rìu. Mà đó lại là kế sinh nhai duy nhất. Tôi buồn lắm! Ngày mai, ngày kia … và những ngày sau nữa tôi lấy gì mà kiếm củi nuôi thân đây? Càng nghĩ nước mắt tôi càng tuôn nhiều, chảy dài trên khuôn mặt đen xạm của tôi. Đúng lúc đó, một cụ già râu tóc bạc phơ xuất hiện trước mặt tôi. Trông cụ thật hiền lành và phúc hậu với vầng trán cao, khuôn mặt hồng hào. Ôn tồn cụ hỏi:
– Có chuyện gì mà con khóc thảm thiết vậy?
Tôi bèn thật thà kể đầu đuôi mọi chuyện cho ông lão nghe. Nghe xong, ông lão cười và hứa sẽ tìm lại chiếc rìu cho tôi. Tôi vui lắm!
Nói rồi, ông lão lặn ngay xuống sông. Chỉ một lát sau ông đã ngoi lên, trên tay cầm một lưỡi rìu bằng vàng sáng lấp lánh. Ông giơ rìu lên hỏi tôi:
– Đây có phải rìu của cháu không?
Dù chiếc rìu đó rất đẹp và có giá trị nhưng không phải rìu của mình thì đừng có lấy. Tôi vội trả lời:
– Không! Đó không phải cây rìu của cháu đâu ông ạ!
Nghe tôi nói xong, ông cụ lại lặn xuống sông một lần nữa. Lần này khi ngoi lên ông cụ cầm trên tay cầm một lưỡi rìu bằng bạc trông rất thích mắt. Cụ vẫn hỏi như cũ:
– Đây có phải rìu của cháu không?
Tôi không ngần ngại mà từ chối ngay:
– Thưa ông, cái này cũng không phải rìu của cháu.
Không nản, ông cụ lại tiếp tục lặn xuống sông lần nữa. Một lát sau, ông ngoi lên khỏi mặt nước với chiếc rìu bằng sắt hết sức bình thường, cán rìu nhìn còn hơi cũ. Nhưng đó chính là chiếc rìu của tôi. Sung sướng tôi reo to:
– Đây mới chính là rìu của cháu ông ạ!
Nghe vậy, ông lão đưa lại rìu cho tôi và nói. Cháu quả là một chàng trai thật thà, nghèo nhưng không tham lam. Cháu xứng đáng được thưởng. Ta tặng cho cháu cả ba lưỡi rìu này. Nói xong, ông lão vụt biến mất. Tôi biết mình gặp tiên nên chắp tay cảm tạ rồi về nhà. Nhờ ba chiếc rìu đó, tôi có cuộc sống ấm no và hạnh phúc trọn đời.
Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của THPT Đông Thụy Anh.
Tác giả: Trường THPT Đông Thụy Anh
Chuyên mục: Giáo Dục